Tập trung phòng ngừa chập cháy tại các nhà trọ cũ và chung cư mini sau mưa bão

Thủ đô Hà Nội đã và đang chứng kiến sức tàn phá nặng nề của cơn bão số 3 – bão Yagi. Dù hiện nay bão đã tan, song, dự báo mưa lớn còn diễn biến trên diện rộng, nhiều nguy cơ có thể xảy ra, nhất là tình trạng chập cháy điện tại các khu nhà trọ sinh viên, hoặc nhà dân xây dựng từ lâu đời, có khả năng xảy ra ngập úng chia cắt. Dự báo tình hình, UBND phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã có những kịch bản ứng phó.

Khắc phục hậu quả song song với đảm bảo an toàn PCCC

“Tính đến ngày 23-8, trên địa bàn phường Quan Hoa chúng tôi có tổng 1.168 nhà trọ cho thuê. Trong đó, có 523 nhà trọ cao dưới 5 tầng và 645 nhà trọ từ 5 tầng trở lên. Thời điểm khi bão Yagi đổ bộ, sinh viên, người lao động đã quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ 2-9. Tân sinh viên cũng lên Hà Nội nhập học.

Nhà trọ trên địa bàn phường đa số là xây từ lâu, điều kiện an toàn về PCCC còn thiếu và hệ thống điện cũng xuống cấp. Điều này phát sinh những lo ngại xảy ra chập cháy điện trong mùa mưa bão chứ không riêng gì cơn bão số 3 vừa qua.

 

Ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1928 nên tiềm ẩn nguy hiểm đối với người sinh sống
Ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1928 nên tiềm ẩn nguy hiểm đối với người sinh sống

Theo dự báo, sau khi bão Yagi đi qua sẽ có mưa lớn trên diện rộng và có thể kéo dài. Chính vì vậy, UBND phường bên cạnh việc khắc phục hậu quả sau bão cũng đã có phương án kiểm tra, nâng cao công tác PCCC cũng như cứu trợ, xây dựng các kịch bản ứng phó xuyên suốt mùa mưa bão” – Ông Lê Mạnh Tiến, Chủ tịch UBND phường Quan Hoa thông tin.

Ghi nhận của phóng viên An ninh Thủ đô, nhiều nhà trọ trên địa bàn phường nằm ở khu vực trũng, thấp, nếu mưa lớn kéo dài có thể dẫn tới ngập úng một số điểm. Cùng với các địa phương trên toàn thành phố, tình trạng cây xanh gãy, đổ sau bão cũng xảy ra tại phường Quan Hoa. Trường hợp các cây xanh bị đổ ngã trong mưa bão không chỉ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà còn làm hư hỏng các cột điện, dây điện trên cao, từ đó dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng.

 

UBND phường đã trực tiếp đến và vận động các thành viên trong gia đình di dời để đảm bảo an toàn
Người dân sau đó được đưa đến Nhà văn hóa phường và được cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu

UBND phường đã trực tiếp đến và vận động các thành viên trong gia đình di dời để đảm bảo an toàn

Một khi hệ thống điện không được khắc phục kịp thời, khả năng xảy ra chập điện và cháy nổ tại các khu vực đông dân cư là rất lớn. Đặc biệt, trong các khu vực nhà trọ và chung cư mini, hệ thống điện đôi khi bị quá tải do số lượng người sử dụng lớn, thiết bị điện cũ kỹ, không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn. Khi nước mưa ngập vào các ổ điện, việc rò rỉ điện hay chập cháy dễ dàng xảy ra, đe dọa tính mạng của cư dân.

 

Người dân sau đó được đưa đến Nhà văn hóa phường và được cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu
Người dân sau đó được đưa đến Nhà văn hóa phường và được cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu

Nhận thức được nguy cơ tiềm tàng từ chập cháy điện trong mùa mưa bão, chính quyền phường Quan Hoa đã chủ động triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền đến từng hộ dân, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ cao như nhà trọ và chung cư mini.

Cán bộ UBND phường đã tích cực thông tin đến người dân về các biện pháp an toàn điện trong mùa mưa lũ, khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra hệ thống điện trong nhà, không để các thiết bị điện gần khu vực ngập nước, và hạn chế sử dụng điện khi có hiện tượng chập chờn.

Đồng thời, chính quyền phường cũng phối hợp với công ty điện lực trên địa bàn để tiến hành kiểm tra hệ thống điện công cộng, cắt điện kịp thời tại các khu vực nếu xảy ra ngập nước nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

“Không chỉ với các nhà trọ sinh viên cũ, chung cư mini mà nhà dân xây dựng lâu năm cũng được UBND phường chỉ đạo các lực lượng rà soát, cử cán bộ xuống kiểm tra trực tiếp và tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa chập cháy” – Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết thêm.

Đảm bảo đủ nhu yếu phẩm cứu trợ

Bên cạnh đó, chính quyền phường Quan Hoa cũng đang tích cực triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp. Phường đã thành lập Ban chỉ huy cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân;

Bố trí điểm tránh trú tại Nhà văn hóa của phường, trong trường hợp khẩn cấp như nhà dân bị tốc mái, hoặc những hộ gia đình nơi sinh sống xuống cấp, các khu nhà trọ không đảm bảo… thành viên Ban chỉ huy cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân sẽ đưa người dân đến nơi an toàn; chuẩn bị sẵn thực phẩm, đồ dùng thiết yếu hỗ trợ bà con.

 

Cây đổ tại trường mầm non Hoa Mai hiện đã và đang được các lực lượng cùng giáo viên nhà trường dọn dẹp

Cũng theo lãnh đạo UBND phường Quan Hoa, ngay trước thời điểm bão đổ bộ, lực lượng chức năng đã nhanh chóng di dời hộ gia đình tại tổ dân phố số 10. “Ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1928, đông người ở nên chúng tôi phải có biện pháp xử lý ngay, đưa bà con đến nơi an toàn, đảm bảo điều kiện sinh hoạt đầy đủ” – Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh chia sẻ.

Cây đa cổ thụ trên phố Dương Quảng Hàm bật gốc khi bão đổ bộ, rất may không gây thiệt hại đáng kể
Cây đa cổ thụ trên phố Dương Quảng Hàm bật gốc khi bão đổ bộ, rất may không gây thiệt hại đáng kể

Hiện, chính quyền phường đang huy động các lực lượng, cùng với đó là kêu gọi người dân, nhất là những người có sức khỏe hỗ trợ giải quyết các sự cố sau bão như: cây gãy, đổ, dọn dẹp về sinh đường phố…

Và trong bối cảnh mùa mưa bão với những nguy cơ khó lường, UBND phường Quan Hoa cũng đã xây dựng những kịch bản, tình huống có thể xảy ra để chủ động đưa ra các phương án ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn đời sống của nhân dân, giảm thiểu tối đa các thiệt hại do mưa bão gây nên.

Trích: Báo Mới

Xem bài viết gốc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *